Chào mừng các bạn đến với web thiết bị mầm non Hà Vũ: Chúc Quý Khách Thành Đạt Trong Cuộc Sống. mọi thông tin vui lòng liên hệ trên.

Giúp trẻ học qua việc “phá” đồ chơi



Nhiều bậc cha mẹ cảm thấy lo lắng khi con mình hay tháo tung, "bạo hành" đồ chơi, hoặc không có thói quen dọn dẹp ngăn nắp.

Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Linh (chuyên gia tư vấn tâm lý giáo dục phổ thông tại TP.HCM), đó là biểu hiện bình thường của trẻ trong giai đoạn từ 2-5 tuổi. Ở độ tuổi này, trẻ thường thích khám phá, tìm hiểu về thế giới xung quanh. Hơn thế, trẻ càng phá phách thì về sau sẽ lanh trí, thông minh và có tư duy tốt. "Điều quan trọng là chúng ta nên có phương pháp giáo dục phù hợp để trẻ biết quý trọng vật dụng, đồ chơi mà vẫn phát huy được tính sáng tạo", thạc sĩ Linh nói.
thietbimamnonhavu.com
Khám phá đồ chơi cũng là một cách để trẻ học hỏi - Ảnh: shutterstock


Thông thường, trẻ nhỏ đứng trước bất kỳ vật dụng gì cũng cảm thấy tò mò. Ví dụ cầm xe đồ chơi trên tay, trẻ muốn tháo bánh, tháo pin... ra xem. Mục đích là để xem nó hoạt động ra sao, cấu tạo thế nào. Hoặc có thể trẻ sẽ đập nát xe để coi... bên trong có gì. Hơn thế, chuyện trẻ kéo cuộn giấy vệ sinh rồi chạy vòng quanh nhà, lắc chai nước ngọt cho xì bọt tung tóe, mặc quần áo của cha mẹ để giống người lớn... cũng chỉ vì tò mò và cảm thấy thú vị với điều mình vừa khám phá.

Giáo viên Đinh Thủy (Trường Họa Mi 3, Q.5, TP.HCM) cho rằng trước khi đưa cho con một món đồ chơi, cha mẹ nên phân tích cấu tạo, cũng như cơ chế hoạt động. Hoặc cha mẹ cũng có thể hướng dẫn trẻ tháo - ráp lại những bộ phận đơn giản. Nhưng những thứ tháo ra có thể làm hỏng đồ chơi thì cha mẹ nên phân tích cho trẻ hiểu để các em tự bảo quản. Thực ra, trẻ nhỏ sẽ biết lắng nghe khi cha mẹ kèm theo một lời khen.

Trong một vài trường hợp, cha mẹ cũng cần nên nghiêm khắc. "Ví dụ như trẻ vẽ lung tung trên tường nhà, cha mẹ cũng nên đưa giấy bút cho trẻ vẽ. Nhưng nếu đã có giấy mà trẻ vẫn vẽ lên tường, cha mẹ cũng cần nói cho trẻ biết là không được phép làm như vậy".

Trong vấn đề, làm sao để trẻ tự giác dọn dẹp đồ chơi, thạc sĩ Mỹ Linh tư vấn: "Ở trường, các bé sẽ tự biết dọn dẹp đồ chơi, vì cô giáo tập cho trẻ thói quen này. Hơn thế, khi thấy các bạn thực hiện thì trẻ cũng làm theo. Nhưng khi về nhà, trẻ thường làm nũng. Cha mẹ nên tạo cảm hứng cho trẻ dọn dẹp bằng cách cùng dọn với con, hoặc chia phần và đặt trách nhiệm cho trẻ, hoặc có thể cho trẻ thi với cha mẹ xem ai dọn đồ chơi nhanh hơn... Cha mẹ thất bại trong cuộc thi này, trẻ sẽ càng thích thú hơn".

Lưu ý cần tránh trường hợp, nói con không nghe thì cha mẹ làm thay. Điều này dễ dẫn đến thói quen xấu của trẻ là mình không dọn dẹp thì cũng có người dọn.

Theo Thanh Niên









Tag:

Chia sẻ bài viết : like hay g+ Các Bạn Nhé :


Bạn Đã Xem Chưa ?