Tháng này bé ngọ nguậy nhiều hơn, và có thể bé sẽ bắt đầu nhoẻn một nụ cười làm bạn ngất ngây đấy! Hãy tìm hiểu thêm về thói quen cũng như cách bé tự vỗ về mình nhé!
1. Kỹ năng vận động2. Cười3. Nằm sấp4. Những ám hiệu của bé | 5. Phát triển ngôn ngữ6. Tự vỗ về bản thân7. Tâm trạng và hành vi8. Tầm nhìn |
Kỹ năng vận động
Hãy quan sát điều gì xảy ra khi bé được đặt nằm ngửa và bạn cầm một món đồ chơi bé thích đung đưa phía trên. So sánh với tháng trước bạn sẽ nhận thấy bé vận động uyển chuyển hơn. Bé có thể sẽ với tay để chạm món đồ và cố đập tay vào nó. Nếu bạn cho bé một cái lục lạc bé có thể cầm được trong chốc lát. Bạn hãy lắc nhẹ cái lục lạc. Mỗi bé có mỗi cách đáp lại khác nhau. Có bé thì nhìn và lắng nghe âm thanh một cách ngạc nhiên. Có bé thì cảm thấy khó chịu và khóc. Mỗi bé sẽ có một cách xử lý thông tin khác nhau.
Cười!
Khi bé được 2 tháng tuổi, có thể bé sẽ tặng cho bạn một nụ cười thật đáng yêu. Nếu lúc này bé chưa biết cười thì cũng sắp rồi đó. Hãy xem gương mặt bé rạng rỡ như thế nào khi bạn cười với bé. Bé cũng sẽ huơ tay, nhướng mày và kêu ư ư một cách thích thú để đáp lại bạn. Cuối cùng thì sau hàng tuần chăm sóc cục cưng cả ngày lẫn đêm, bé đã tặng cho bạn một phần thưởng vô giá. Hãy cười và trò chuyện với bé nhiều nhé, bé thích quan sát gương mặt bạn và sẽ dùng các cử chỉ, nét mặt để đáp lại lời bạn đó.
Cho bé nằm sấp
Bạn phải đặt bé nằm ngửa trong lúc ngủ đề phòng tránh hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh. Nhưng khi bé thức, bạn nên đặt bé nằm sấp để cổ bé khỏe hơn. Khi bé được 2 tháng tuổi, bé đã có thể nâng đầu lên một lúc để nhìn quanh phòng. Cổ khỏe thì bé sẽ nâng đầu thẳng hơn. Cho bé nằm sấp cũng khuyến khích bé chống hai tay, làm cho phần thân trên và lưng khỏe hơn và giúp bé trong việc ngồi, di chuyển và đi đứng sau này.
Bạn có thể nằm xuống bên cạnh và chơi với bé. Nói chuyện với bé để bé biết bạn luôn ở đó và hỗ trợ bé. Bạn cũng có thể cho bé nằm lên một tấm thảm có những chất liệu thú vị, màu rực rỡ hoặc những tấm thảm có thể phát ra âm thanh để bé thích thú hơn.
Một số bé cảm thấy không thoải mái khi nằm sấp và có thể cáu gắt. Khi đó bạn hãy làm những gì mà bạn nghĩ là phù hợp với bé nhất bởi bạn là người hiểu bé hơn ai hết. Có bé thì cảm thấy dễ chịu lại khi nghe giọng nói của ba mẹ. Có bé cần ba mẹ ẵm lên tay.
Những ám hiệu của bé
Từ giờ, bạn đã học được ngôn ngữ của bé “đúng rồi, con thích như vậy đó” hay “ôi không, ba mẹ dừng lại đi”. Chúng tôi nghe các ông bố bà mẹ liệt kê rất nhiều biểu hiện khác nhau của con họ cho thấy bé muốn tiếp tục hoặc chấm dứt một việc gì.
Khi bé thích thú, bé có thể:
- Nhìn vào mặt bạn
- Huơ tay múa chân nhịp nhàng
- Nhào tới phía bạn
- Đưa mắt hoặc đầu về phía bạn
- Cười, kêu ư ư và có những biểu hiện tươi vui.
Khi bé không muốn tiếp tục, bé có thể:
- Quay đầu và mắt đi chỗ khác
- Khóc, quấy
- Ho
- Ưỡn người, nhào người ra hướng khác
- Da đỏ lên
- Thở nhanh, nấc
- Ngáp
- Cau mày
Các bé có thể bày tỏ những dấu hiện không giống nhau. Quan trọng là bạn cần quan tâm và tìm hiểu các dấu hiệu đồng thời hướng dẫn lại cho những người khác nếu bạn định để bé ở nhà với họ.
Phát triển ngôn ngữ
Tháng này bé có nhiều tiến bộ về ngôn ngữ. Bé chủ động lắng nghe những gì bạn nói với bé, quan sát miệng bạn và nghiên cứu lưỡi bạn di chuyển như thế nào khi phát ra lời nói.
Bé sẽ bắt đầu phát ra những từ bắt đầu bởi một nguyên âm. Bé sẽ tự nghe âm thanh do mình phát ra và luyện tập lưỡi để lặp lại các âm thanh. Bạn hãy tiếp tục nói chuyện với bé bằng cách lặp lại những âm thanh bé phát ra và sau đó đổi vai trò. Hãy để bé trả lời bạn. Nhìn theo mắt bé xem bé đang nhìn cái gì. Có thể bé đang muốn nói về một món đồ hay một người nào đó. Dù bé muốn nói đến cái gì đi nữa, bé cũng đang trò chuyện với bạn và sẽ rất thích nếu bạn quan tâm và dịu dàng với bé.
Tự vỗ về bản thân
Bé thích mút, bất kể mút một cái ti giả, ngón tay của ba, hay ngón cái của bé. Mút là một kỹ năng xoa dịu bản thân hiệu quả. Khi các em bé quấy hoặc mệt, cha mẹ chúng có thể cho ngậm ti giả hoặc nhét ngón tay của chúng vào miệng. Bạn cũng có thể nhẹ nhàng gấp cánh tay của bé đặt lên ngực và quấn bé trong một cái khăn mềm hoặc ẵm bé lên tay cũng là một cách giúp bé thư giãn. Tư thế này làm bé nhớ đến thế giới ấm áp, an toàn trong bụng mẹ.
Tâm trạng và hành vi
Từ giờ bạn sẽ nhìn thấy bé với một số tâm trạng và biểu hiện khác nhau. Những tâm trạng này là bình thường và giúp bé trải qua một ngày trọn vẹn. Hãy nhớ, rất khó để mô tả những tâm trạng này chỉ trong vài dòng đơn giản bởi vào những thời điểm, những ngày khác nhau bé có những biểu hiện khác nhau, tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau.
Dưới đây là 6 trạng thái khác nhau mà bạn có thể đã biết rồi:
- Ngủ tĩnh: là khi mắt bé nhắm chặt và hầu như không có chuyển động. Đây là thời gian lý tưởng nhất để bạn tranh thủ chợp mắt một chút.
- Ngủ động: là khi mắt bé nhắm nhưng vẫn đảo qua đảo lại. Bạn có thể thấy bé nhúc nhích, mỉm cười, nhíu mày và duỗi tay chân trong lúc ngủ.
- Buồn ngủ: là khi mắt nhắm hờ, người không động đậy và vẻ mặt đờ đẫn.
- Khóc: có lẽ trạng thái này không cần phải giải thích.
- Thức động: là khoảng thời gian bé rên rỉ, làu bàu và quấy khóc, thường là trước khi ngủ
- Thức tĩnh: là khoảng thời gian đẹp nhất trong ngày. Lúc đó bé cảm thấy thoải mái, mắt bé mở và lanh lợi. Bé quan sát tất cả những điều thú vị trong thế giới của bé.
Tầm nhìn
Thường cuối tháng thứ hai, bé đã có thể giữ cổ thẳng đứng nên có thể nhìn xuống dưới mặt đất và cảm thấy thích thú với những cảnh thú vị như nước, động vật, các em bé khác…
Bạn có thể đặt bé ngồi trên loại ghế hơi ngả ra sau là tư thế an toàn khi cho bé ngắm quang cảnh xung quanh.
Nhiều bé thích được cha mẹ bỏ trong địu phía trước và cảm nhận cơ thể mềm mại ấm áp của cha mẹ. Một số bé lại thích được ẵm úp mặt vào ngực cha mẹ để nghe nhịp tim đập. Dần dà, khi bạn nghĩ bé đã sẵn sàng, hãy quay mặt bé ra ngoài cho bé có cơ hội nhìn thấy thế giới xung quanh và cũng tạo cơ hội để bạn có thể sử dụng hai tay rảnh rang mà làm việc.