Chào mừng các bạn đến với web thiết bị mầm non Hà Vũ: Chúc Quý Khách Thành Đạt Trong Cuộc Sống. mọi thông tin vui lòng liên hệ trên.

Bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ giáo viên



Bộ GD&ĐT vừa có công văn hướng dẫn các trung  tâm giáo dục thường xuyên tổ chức bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên mầm non, phổ thông và GDTX theo chương trình bồi dưỡng thường xuyên để giúp các trung tâm GDTX tổ chức bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ giáo viên đạt hiệu quả.

thietbimamnonhavu.com
Cần bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ giáo viên các cấp
Theo đó, các sở GD&ĐT căn cứ tình hình thực tiễn, có thể giao  trung  tâm GDTX cấp tỉnh tổ chức bồi dưỡng giáo viên  THPT; giao trung tâm GDTX cấp huyện tổ chức bồi dưỡng GV mầm non, tiểu học, THCS.
 
Hướng dẫn trung  tâm  GDTX cấp huyện  phối hợp với các  phòng  GD&ĐT quận, huyện, thị xã, thành  phố tổ chức điều tra khảo sát nhu cầu học tập, bồi dưỡng của giáo viên;  xây  dựng chương  trình,  kế hoạch bồi dưỡng, tổ chức bồi dưỡng, quản lý lưu trữ hồ sơ, lập kế hoạch nghiệm thu nội dung bồi dưỡng theo từng giai đoạn; thường xuyên rút kinh nghiệm, đánh giá chất lượng các đợt bồi dưỡng cho  giáo viên các cấp.
 
Có kế hoạch đầu tư xây dựng về cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, tài liệu, băng đĩa phục vụ cho hoạt động bồi dưỡng thường xuyên; có chiến lược lâu dài xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên cốt cán của trung tâm có đủ năng lực đáp ứng được nhu cầu và thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng thường xuyên. 
 
Các Trung tâm GDTX phối hợp với phòng GD&ĐT lựa chọn đội ngũ giáo viên giỏi, có uy tín, có năng lực tập huấn, có tinh thần hợp tác từ các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT, từ các trường sư phạm trên địa bàn (gọi chung là giáo viên cốt cán) để xây dựng chương trình, nội dung bồi dưỡng thường xuyên phù  hợp với nhu cầu của giáo viên và trực tiếp tổ chức bồi dưỡng.
 
Để thực hiện chương trình bồi dưỡng thường xuyên, trung tâm giáo dục thường xuyên cần căn cứ vào chương trình bồi dưỡng thường xuyên các cấp học từ mầm mon, tiểu học, THCS, THPT và GDTX được quy định tại Thông tư số 30, 31, 32, 33/2011/TT-BGDĐT ngày 8 tháng 8 năm 2011, Thông tư số 36 /2011/TT-BGDĐT ngày 17 tháng 8 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, để xác định rõ nội dung bắt buộc và nội dung tự chọn.
 
Đối với nội dung bắt buộc: ngoài  việc thực hiện theo Chương trình  bồi dưỡng nêu trên, trung tâm giáo dục thường xuyên cần căn cứ vào chương trình, kế hoạch chung về bồi dưỡng thường xuyên  của sở giáo dục và đào tạo để tổ chức thực hiện nhiệm vụ.
 
Đối với nội dung  tự chọn: Ngoài  những chuyên đề mô đun  bồi dưỡng thường xuyên do Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn, trung tâm giáo dục thường xuyên  cần phối hợp với phòng  GD&ĐT cấp huyện tổ chức khảo sát, điều tra nhu cầu học tập, tập hợp danh sách đăng ký hình thức tự bồi dưỡng của giáo viên gửi về sở. Cử giáo viên cốt cán của trung tâm về các trường để dự giờ, thăm lớp, trên cơ sở đó phân thành các nhóm nội dung khác nhau và xây dựng chương trình, nội dung bồi dưỡng phù  hợp với nhu cầu và đối tượng người học.
 
Trong quá trình bồi dưỡng giáo viên, trung tâm giáo dục thường xuyên cần thống nhất với báo cáo viên  về phương pháp dạy học cho người lớn, tăng cường đổi mới phương pháp dạy học, hướng dẫn học viên phương pháp tự học, tự nghiên cứu và làm việc theo nhóm. 
 
Tổ chức sinh hoạt chuyên  môn cho giáo viên cốt cán định kì theo tháng, quý, năm với  các chủ đề khác nhau trên cơ sở đó  tổng hợp, đánh giá, tháo  gỡ khó khăn, vướng mắc của các đợt bồi dưỡng và đưa ra những giải pháp phù hợp góp phần nâng cao chất lượng bồi dưỡng thường xuyên. 
 
Nghiên cứu xây dựng diễn đàn qua mạng internet để trao đổi kinh nghiệm, đổi mới phương pháp dạy - học, kiểm tra đánh giá, phương pháp tự học, xây dựng bài giảng điện tử, thảo luận nhóm giáo viên theo từng phân môn và liên môn...
 
Ngoài cơ sở vật chất sẵn có của trung tâm, có thể tận dụng khai thác cơ sở vật chất, trang thiết bị của các nhà trường, thư viện, nhà văn hóa... tại địa phương để tổ chức hoạt động bồi dưỡng thường xuyên  và  tạo môi trường học tập thuận lợi cho giáo viên.
 
Thời gian bồi dưỡng được thực hiện trong năm học. Tùy theo tình hình thực tế của địa phương và nhu cầu bồi dưỡng thường xuyên của giáo viên, trung tâm bố trí thời gian bồi dưỡng thường xuyên cho phù hợp.
 
Trung tâm giáo dục thường xuyên tổ chức đánh giá kết quả bồi dưỡng thường xuyên của giáo viên thông qua các bài kiểm tra, bài tập nghiên cứu, bài viết thu hoạch; tổng hợp, báo cáo kết quả về sở giáo  dục và đào tạo  theo  quy định của sở giáo dục và đào tạo.
 
Các sở GD&ĐT chủ động, tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên phù hợp với nhu cầu và điều kiện cụ thể của địa phương. Trong quá trình thực hiện, sở giáo dục và đào tạo tổ chức kiểm tra, đánh giá và tập hợp những kiến nghị, đề xuất, lập báo cáo bằng văn bản gửi về Vụ Giáo dục thường xuyên- Bộ GD&ĐT.


(GD&TĐ)

Tag:

Chia sẻ bài viết : like hay g+ Các Bạn Nhé :


Bạn Đã Xem Chưa ?